Lượt xem: 589

Người nuôi thận trọng trong vụ tôm nước lợ năm 2023

Theo khung lịch thời vụ đã được ngành chuyên môn khuyến cáo, vụ tôm nước lợ năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng bắt đầu khởi động từ tháng 1 (dương lịch). Dù vậy, trước áp lực về giá thành sản xuất và tác động từ yếu tố thời tiết, tiến độ thả giống năm nay có phần chậm hơn so với cùng kỳ. Việc thả nuôi theo hình thức thăm dò cho thấy người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã có sự thận trọng hơn trong sản xuất, đảm bảo an toàn trong vụ nuôi được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 


Tổ giám sát dịch bệnh trên tôm kiểm tra tình hình dịch bệnh tại vùng nuôi tôm nước lợ huyện Trần Đề.

 

    Nếu như thời điểm này của năm trước, toàn bộ 90 ha ao nuôi tôm của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa ở ấp Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu đã hoàn tất việc thả giống, thì năm nay, tiến độ thả giống tại HTX chỉ mới đạt khoảng 80% kế hoạch. Đặt mục tiêu đạt sản lượng tôm nuôi là 350 tấn, thành viên HTX không thả nuôi ồ ạt mà tập trung làm tốt công tác cải tạo ao, xử lý nước để cung cấp cho ao nuôi thông qua việc nuôi tôm theo hình thức xoay vòng nước và ưu tiên sử dụng men vi sinh. Nhờ vậy, dịch bệnh trên tôm nuôi được quản lý tốt, tôm phát triển khỏe mạnh. Phần lớn ao nuôi hiện đạt khoảng 60 ngày, với size tôm từ 40 - 45 con/kg. Xã viên Ngô Văn Tuấn - HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa ở ấp Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Quy trình nuôi tôm thay nước tuần hoàn đem lại hiệu quả là không gây ô nhiễm môi trường, kiểm soát được dịch bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi tôm của mình. Về thông tin dịch bệnh trong HTX thì nếu như hộ nào xảy ra dịch bệnh, Ban giám đốc HTX sẽ liên hệ ngay với cán bộ kỹ thuật để tiến hành lấy mẫu giám sát, tìm hướng giải quyết kịp thời cho bà con”.

    Riêng tại vùng nuôi ở huyện Trần Đề, diện tích thả giống tôm nước lợ năm nay cũng chỉ mới đạt trên 30% so với tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện là trên 4.500ha. Mặc dù diễn biến tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi giai đoạn này là không đáng kể, nhưng để hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh, bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn thời điểm thả giống. Mật độ thả nuôi hay kỹ thuật chăm sóc, cho ăn cũng được nhiều hộ tính toán thật kỹ để đảm bảo hài hòa về lợi nhuận kinh tế trong bối cảnh giá tôm thương phẩm vẫn đang “tỉ lệ ngịch” với giá vật tư đầu vào. Ông Nguyễn Hoàng Thanh – hộ nuôi tôm ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề chia sẻ: “Vụ vừa rồi tôi thả mật độ 100 con/m2, mùa mưa thì mình sẽ thả thưa hơn, khoảng 80 con/m2. Mình phải xử lý ao cho thật sạch, rồi ao phải chèn cao su để mưa xuống không bị xói mòn, đồng thời xử lý nước cho thật tốt trước khi cấp vào ao nuôi. Mình cũng phải tính chính xác lại liều lượng thức ăn và thuốc cho thật kỹ để nuôi được hiệu quả”.

    Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được 3.643,1 ha tôm nước lợ cho năm 2023. Toàn tỉnh hiện đã ghi nhận 20,7 ha tôm nuôi thiệt hại với các bệnh phổ biến là đốm trắng và vi bào tử trùng. Nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch cao, ngày nắng, đêm lạnh, độ mặn thấp... là các yếu tố bất lợi khiến rủi do dịch bệnh trên tôm được dự báo sẽ  còn diễn biến phức tạp hơn trong vài tuần tới. Đồng hành cùng người nuôi, Tổ công tác giám sát dịch bệnh trên tôm vẫn đang tích cực phối hợp tốt cùng các địa phương tổ chức khảo sát thực tế nhằm cập nhật các thông tin về tình hình nuôi, diễn biến dịch bệnh... để đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho từng vùng nuôi cụ thể.

    Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo bà con nên thả nuôi thăm dò, nuôi theo hình thức liên hoàn, cuốn chiếu. Đối với đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các công ty cung ứng giống nhằm tạo được mối gắn kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp, từ đó giúp hộ nuôi có được nguồn giống tốt, chất lượng phục vụ cho sản xuất. Chúng tôi cũng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng nhà khoa học cũng như các viện, trường và các doanh nghiệp có những ứng dụng tiến bộ để trao đổi, thông tin với người dân, từ đó có được giải pháp tổng hợp trong phòng trị bệnh cũng như cách chọn giống để bố trí mùa vụ và mô hình nuôi hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới”.

    Giá trị ở lĩnh vực thủy sản hiện chiếm trên 50% GDP hằng năm của tỉnh Sóc Trăng nên thành công của nghề nuôi tôm nước lợ đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế mỗi năm của tỉnh. Tuy vậy, sự thành - bại trong mỗi vụ nuôi còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu. Vì vậy, “khởi động trong thận trọng” là rất cần thiết để ngành tôm tỉnh nhà trụ vững trước biến động về giá thành sản xuất và rủi ro dịch bệnh, phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi trên 205.000 tấn như mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2023.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 8036
  • Trong tuần: 78,743
  • Tất cả: 11,802,063